top of page

“BA LIỀU THUỐC” CHO VIỆC MẤT KẾT NỐI GIỮA BA MẸ & CON CÁI

Ảnh của tác giả: Xuân Hải ĐặngXuân Hải Đặng

Có dịp ngồi trò chuyện với một vài anh chị thực sự thông thái và nghiên cứu sâu về giáo dục, trong lòng lại trỗi dậy một vài câu hỏi lớn… ĐIỀU GÌ LÀM CHO SỰ MẤT KẾT NỐI NHIỀU NHƯ HIỆN NAY?


Mất kết nối với chính mình, mất kết nối với gia đình và mất kết nối với những điều xung quanh mình. Trong bài viết này chúng ta mở ra một vấn đề đó là việc mất kết nối với gia đình, đặc biệt là việc mất kết nối giữa ba mẹ và con cái. Và mình chọn luôn phía tiếp cận là từ phía ba mẹ.


Đâu đó, sau một chặng hành trình tương tác, đồng hành và hỗ trợ nhiều bạn trẻ, cũng như trò chuyện cùng nhiều phụ huynh thực sự quan tâm đến hành trình phát triển của con cái. Mình mạn phép đúc kết lại ba điều (ba liều thuốc), mà mình nghĩ rằng nếu dùng nó một cách hợp lý và đúng đắn, thì việc mất kết nối sẽ dần dần được chữa lành…


CHẤP NHẬN – Liều thuốc đầu tiên.

Để giúp một ai đó thay đổi hay phát triển. Nói cách khác, Nếu ba mẹ muốn con phát triển, con cái muốn ba mẹ có những sự nhìn nhận khác đi. Phải bắt đầu từ việc chấp nhận con người hiện tại của cả hai bên.


Ba mẹ nên chấp nhận rằng con cái có những cái chưa tốt thậm chí những điều gần như rất tệ, nhưng cũng phải ghi nhận những “cái hơn người” của con. Cũng nên chấp nhận rằng mỗi đứa trẻ ở hiện tại đều rất khác nhau từ năng lực, sở thích, tính cách… Nên không thể nào dùng chung một “CÁI KHUÔN KỲ VỌNG” áp lên mọi đứa trẻ. Ba mẹ cần kiên nhẫn học cách chấp nhận “TRẠNG THÁI HIỆN TẠI” của con mình. Bởi vì, muốn con tiến lên phía trước, tiến lên một nấc mới điều đầu tiên là phải xác định đúng vị trí con đang đứng… Phần lớn không phải ba mẹ không thể xác định trạng thái của con mình chỉ là không thể nào đủ dũng cảm đặt bớt kỳ vọng của mình lên con xuống… Đó chính xác là việc ba mẹ đối diện với chính cảm xúc và suy nghĩ của bản thân chứ không phải đối diện với phản ứng của con mình.


Cũng phải nói lại, chấp nhận không đồng nghĩa với việc không làm gì cả. Mà chấp nhận chính là “Đón nhận sự thật một cách trọn vẹn” để bắt đầu hành trình thay đổi và phát triển.

Việc KHÔNG CHẤP NHẬN sẽ cắt đứt một đoạn liên kết rất lớn, và cũng là đoạn quan trọng nhất trong sự kết nối giữa ba mẹ và con cái.


LẮNG NGHE ĐỒNG CẢM – Liều thuốc thứ hai

Lắng nghe đồng cảm chứ không phải nghe, lắng nghe hay nghe để phản hồi.

Lắng nghe đồng cảm là sự lắng nghe để cảm được câu chuyện, trạng thái, cảm xúc bên trong con. Là việc cố gắng đứng ở phía con để nhìn nhận sự việc của con chứ không phải đứng ở phía mình để đưa ý kiến chủ quan của mình cho con. (Đưa ý kiến là điều rất cần thiết, mình không phủ nhận. Nhưng ý kiến chỉ thật sự giá trị nếu ba mẹ thực sự hiểu điều ba mẹ muốn con thay đổi và cảm nhận, cảm xúc của con đang ra sao)


Có 5 cấp độ lắng nghe sau: Ba mẹ thử xem mình thường dùng cấp độ nào nhé.

  1. Không lắng nghe (Trạng thái này ít, hoặc con không chia sẻ cho mình từ việc trước giờ ba mẹ chưa từng tạo cơ hội để lắng nghe con nói)

  2. Lắng nghe giả vờ (Nghe để nắm bắt ý với chủ đích chờ cơ hội để phản hồi và cho lời khuyên là chính)

  3. Lắng nghe chọn lọc (Chỉ nghe những gì mình muốn được nghe…)

  4. Lắng nghe chú tâm (Nghe để nắm bắt toàn bộ câu chuyện và bối cảnh…)

  5. Lắng nghe đồng cảm (Đặt mình vào góc nhìn và hệ quy chiếu của người đang nói để cảm nhận…)

Mình luôn đồng ý rằng, không phải lúc nào cũng có thể lắng nghe đồng cảm được đâu. Nhưng ba mẹ thử xem một cách này nhé. Đặt ra một nguyên tắc mỗi tuần có riêng 2 giờ nói chuyện với con và trong 2 giờ đó phải luôn lắng nghe đồng cảm. (Và quan sát kết quả trong vòng 3 tháng về sự kết nối của 2 bên)


ĐỐI THOẠI (CHIA SẺ) – Liều thuốc thứ ba

Đối thoại chứ không phải dạy dỗ hay độc thoại. Đối thoại là 2 chiều, phải là 2 chiều. Mục đích của đối thoại đừng nên là thay đổi quan điểm của đối phương (con cái). Mục đích của đối thoại là giúp đối phương (con cái) có thêm những góc nhìn mới từ ba mẹ, và tiếp nhận thêm những góc nhìn của con cái để thấu hiểu.


Bởi vì, có một nguyên tắc bất di bất dịch đó là:

QUAN ĐIỂM CỦA MỘT NGƯỜI CHỈ THAY ĐỔI KHI GÓC NHÌN CỦA HỌ THAY ĐỔI.

Vậy muốn con đổi quan điểm, hãy giúp con có nhiều góc nhìn hơn chứ không phải đặt quan điểm của mình lên con. Một đứa trẻ thích xài hàng hiệu luôn nghĩ rằng đó là sự đẳng cấp. Ba mẹ sẽ không bắt nó thay đổi từ quan điểm đẳng cấp sang xa xỉ được… Cách tốt nhất là giúp con hiểu thêm nhiều góc nhìn về giá trị con người. Khi con hiểu rằng đẳng cấp không nằm ở món đồ, mà nằm ở cách con xài một món đồ hoặc chính năng lực bên trong của nó. Khi đó tự khắc con sẽ thay đổi hành vi…


Để đúc kết lại hành trình thay đổi con mình bắt đầu từ việc CHẤP NHẬN (cho mình và con một cơ hội sít lại gần hơn) -> Sau đó là LẮNG NGHE ĐỒNG CẢM (Tìm chất liệu và nguyên liệu để bắt đầu hành trình đồng hành cùng sự phát triển của con) -> Sau đó là ĐỐI THOẠI (CHIA SẺ) (Để giúp con bắt đầu thay đổi một cách tự do và tốt nhất với điều mà con muốn…)


Xã hội đang trong những bối cảnh khó khăn, khắc nghiệt của kinh tế và bất ổn xã hội. Chắc chắn hành trình này cần cả hai phía cùng đồng hành. Nhưng thay vì đợi con. Ba mẹ hãy “nhân danh sự trưởng thành” của mình để bắt đầu trước và giúp con cùng bắt đầu hành trình kết nối với nhau nhé.


KHÔNG THẤU HIỂU sẽ KHÔNG CÓ YÊU THƯƠNG ĐÚNG CÁCH và KHÔNG YÊU THƯƠNG ĐÚNG CÁCH sẽ KHÔNG CÓ THẤU HIỂU SÂU SẮC
32 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page